Fire Emblem: Engage có đủ hay?

Review về Fire Emblem: Engage. Có thực sự hay?

Chào,

Đây sẽ là series review game nhảm nhí hoàn toàn là ý kiến cá nhân theo góc nhìn của mình. Mỗi bài trong series này không phải để đưa ra đánh giá game nên chơi hay không mà sẽ chỉ ra các điểm hay và dở của 1 game hoặc đơn giản là phân tích các mechanic mà mình thấy thú vị. Kết luận của mỗi bài viết sẽ khác những bài review khác, không phải chấm điểm kiểu 5 hay 10 mà mình sẽ chỉ chia làm 2 loại:

Tôi sẽ luôn giới thiệu trò chơi này cho bạn, hay tôi sẽ chơi trò này một mình

Vì sao á? Vì game cũng như một bộ phim hay một bài hát, phải chính mình trải nghiệm mới thực sự biết rằng nó hay hay dở. Nhưng một game mà bạn muốn giới thiệu cho bạn bè mình chơi, thì nó không thể nào dở được. Đúng chứ?

Và vì chúng ta đang ở gamesnhalam.com nên trong bài viết mình sẽ dùng cả góc nhìn game designer để phân tích thêm về một số vấn đề mà mình nghĩ là hay hoặc dở nhé!

Giới thiệu sơ qua về game

Fire Emblem: Engage là phiên bản chính thứ 17 trong dòng game nổi tiếng Fire Emblem. Trò chơi này được phát hành vào ngày 20 tháng 1 năm 2023 và đã gây ra một làn sóng phản ứng tích cực trên mạng xã hội, đặc biệt là sau thành công của phiên bản trước đó là Fire Emblem: Three Houses – tựa game đã giành giải thưởng “Game chiến thuật hay nhất” năm 2019. Việc Nintendo thông báo đang phát triển Fire Emblem: Engage đã làm nức lòng các fan và tạo ra sự háo hức trước khi trò chơi ra mắt. Tuy nhiên, liệu phiên bản mới này có đáp ứng được sự mong đợi của người hâm mộ?

Drama?

Ngay từ khi công bố thông tin đầu tiên về quá trình phát triển trò chơi, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh art style của Fire Emblem: Engage. Nhiều người cho rằng các nhân vật mới trong game không giữ được “cái chất Fire Emblem” trong thiết kế của họa sĩ mới. Thậm chí, nhiều người đã nhầm lẫn rằng đây là một thiết kế cho một game di động Trung Quốc hiện đại ngày nay.

Một số art 2D và 3D trong game Fire Emblem: Engage

Với tư cách là một người rất thích art style của Kozaki Yusuke, người đã thiết kế các nhân vật cho các phiên bản trước đó của Fire Emblem, mình cho rằng thiết kế trong Fire Emblem: Engage là một sự thụt lùi so với trước đây. Mình cảm thấy các nhân vật trong game trông quá trẻ con và yếu ớt. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm game, mình nhận thấy rằng thiết kế này lại khá phù hợp với trò chơi, mặc dù không mang ý nghĩa tích cực lắm. Mình sẽ giải thích điều này bên dưới.

Vậy gameplay của Engage ra sao?

Bỏ qua drama về art, Engage thực sự có một lối chơi lôi cuốn.

FE: Engage vẫn giữ lối chơi chiến thuật dàn trận theo lượt quen thuộc của dòng game. Người chơi vẫn phải tính toán từng nước đi và đối mặt với bản đồ rộng lớn. Sơ hở có thể đánh đổi bằng mạng sống của đồng đội.

Một map căn bản của Fire Emblem

Thế điều gì làm nên sự khác biệt của Engage?

Nếu bạn đã chơi game thì hẳn sẽ biết tam giác huyền thoại này:

Đây là tam giác khắc chế chiến thuật giữa 3 loại vũ khí căn bản của FE. Đại khái là, thương thì đánh chết kiếm, kiếm thì đánh nát rìu, rìu lại chặt chết thương. Rất dễ hiểu phải không?

Sau đó, ở bản Fate (chắc thế, mình không nhớ lắm). Tam giác này được bổ sung thêm 1 số vũ khí mới để tăng tính chiến thuật của trò chơi. Như hình dưới:

Còn đây là tam giác chiến thuật của Engage:

Dễ dàng nhận thấy tam giác đã trở về dạng căn bản như thời kỳ đầu của dòng game. Tuy nhiên, game vẫn muốn giữ sự đa dạng của các loại vũ khí như thời hiện đại nên chúng ta có thêm phần bên phải.

Vậy việc thay đổi này dẫn tới điều gì?

Đầu tiên, ở các game cũ, các vũ khí khắc chế nhau khi gặp nhau sẽ cộng thêm dmg còn ở Engage thì đã bỏ đi phần này. Thay vào đó, vũ khí khắc hệ sẽ “break” vũ khí còn lại. Trong game điều này có nghĩa là nhân vật bị “break” sẽ đánh rơi vũ khí của mình trong lượt đó và không thể counter lại khi bị tấn công.

Ngày xưa, khi bạn tấn công một kẻ địch thì bạn phải cân nhắc cả việc bị counter thì có đủ sức chống đỡ hay không thì bây giờ gần như bạn không phải lo việc đó nữa khi mà vũ khí không còn cộng thêm dmg khắc hệ. Và việc có thể “break” đối thủ tạo lợi thế rất lớn trong việc đánh tập thể. Mình chỉ cần break được 1 con boss là có thể chơi hội đồng nó ngay lập tức mà nó không thể phản kháng.

Và muốn có thể “break” được nó bạn cần phải đi trước hoặc phải chịu được đòn của nó tới khi tới lượt bạn đánh. Từ đó người chơi sẽ rất nhanh nhận thấy SPD (tốc độ) là chỉ số quan trọng nhất trong game.

Mechanic mới này được một số người đánh giá khiến game dễ đi đôi chút. Bù lại, để cân bằng độ khó cho game, Engage thiết kế mỗi màn chơi theo kiểu “lấy thịt đè người”.

Tức là, các màn chơi trong game được tạo ra theo các tiêu chuẩn: Rộng và Đông.

Ví dụ một bản đồ trong game. Số lượng địch (màu đỏ) là rất nhiều so với số lượng phe ta (màu xanh)

Không chỉ cài đặt sẵn số lượng lớn địch trên map, trong một màn chơi, ở vài vị trí nhất định, ở mỗi lượt sẽ xuất hiện thêm địch khiến cho số lượng địch bạn phải đối phó tăng lên rất nhiều.

Việc này làm người chơi sẽ khó mà dùng được đòn hội đồng. Ví dụ nếu bạn sử dụng một nhân vật làm mồi nhử chỉ để “break” duy nhất 1 địch sau đó dùng nhân vật khác để tiêu diệt nó thì bạn đã mất tận 2 nhân vật chỉ để đối phó với 1 địch. Trường hợp đó bạn sẽ phải đối diện việc rất nhiều địch còn sống tấn công trong lượt sau.

Một vài cơ chế trên bản đồ khiến mỗi trận chiến trở nên hấp dẫn và khó tính toán hơn

Đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với một số cản trở trên map như tường chắn, miasma, lửa, băng, nước v.v… Các chướng ngại vật này sẽ thay đổi lối chơi giữa các trận chiến. Ví dụ, khi đi vào các ô miasma bạn sẽ bị trừ chỉ số, phải cẩn thận nếu không bạn sẽ phải trả giá.

Ngoài ra, mỗi bản đồ có các vật cản như vậy sẽ ảnh hưởng tới quyết định mang Emblem nào vào màn chơi thì phù hợp nhất (sẽ nói ở bên dưới).

Vậy, mặc dù cơ chế “break” khiến cho game dễ thở hơn về mặt tính toán counter nhưng bù lại bằng thiết kế màn chơi Engage vẫn giữ được độ khó trong xây dựng chiến thuật.

Tuyến nhân vật và vũ khí có làm bạn bối rối?

Nếu bạn mới bắt đầu chơi Fire Emblem, hệ thống nhân vật đồ sộ của Engage có thể khiến bạn choáng ngợp.

Trong mỗi trận chiến, bạn phải chọn từ 8 đến 12 nhân vật trong số 35 nhân vật có sẵn trong game. Điều này khác với Three Houses khi bạn chỉ có khoảng 12 nhân vật ban đầu để lựa chọn.

Sự thay đổi trong tuyến nhân vật này đi kèm với thay đổi về cách nâng cấp Class so với FE: Three Houses.

Ở bản tiền nhiệm, mỗi nhân vật sẽ bắt đầu với 4 class Beginer sau đó nâng cấp dần lên các Class Intermediate > Advanced  > Master.

Bốn Class này được chia theo 4 loại vũ khí cơ bản và người chơi có thể chuyển sang đường khác và vũ khí khác cho nhân vật đó bất cứ lúc nào bằng cách sử dụng vật phẩm trong game. Đặc biệt khi người chơi chuyển càng nhiều Class khác nhau thì sẽ được giữ lại các Abilities của Class đó kể cả khi đã chuyển sang một Class khác nữa.

Mỗi Class trong Three Houses không bắt buộc phải dùng đúng vũ khí của Class mà game chỉ gợi ý vũ khí mạnh nhất nên dùng cho Class đó. Ví dụ như Pegasus Knight thì nên sử dụng thương nhưng khi chơi người chơi hoàn toàn có thể dùng kiếm nếu tình thế bắt buộc.

Cách nâng cấp này tạo ra sự đa dạng rất sâu trong chiến thuật của người chơi. Người chơi sẽ phải cân nhắc một nhân vật sẽ đi theo đường nào phù hợp nhất với cách chơi và số lượng vũ khí của mình. Đây là một phần khá hay của Three Houses.

Sơ đồ nâng cấp Class trong Fire Emblem: Three House

Engage đã thay đổi mechanic Class sang dạng đơn giản hơn một chút.

Mỗi Class trong Engage chỉ có 2 cấp độ là Base và Advanced. Trong đó Base là Class mà nhân vật chỉ có thể sử dụng 1 vũ khí duy nhất và Advanced nhân vật sẽ được dùng thêm 1 đến 2 vũ khí phụ.

Một UI đổi Class trong Engage

Engage cố định loại vũ khí của mỗi Class. Vì vậy trong màn chơi, dù nhân vật nhặt được vũ khí khác loại thì cũng không thể sử dụng được. Mechanic này làm giảm tính linh hoạt của game khá nhiều. Nếu như Three Houses người chơi có thể có chiến thuật lợi dụng Abilities của Class dùng kiếm cho một nhân vật dùng rìu thì trong Engage bạn không thể làm như vậy.

Để bù lại, Engage bổ sung hệ thống Emblem mới toanh

Game đã giảm tải việc chọn Class phức tạp để người chơi tập trung vào nâng cấp Emblem. Đây chính là phần trọng tâm của phiên bản lần này.

Các Emblem trong Engage chính là “linh hồn” của các nhân vật trong các phiên bản Fire Emblem trước đây. Bạn sẽ bắt gặp nhân vật khởi đầu của dòng game – Marth hay thầy giáo Byleth trong Fire Emblem: Three Houses.

Mỗi Emblem sẽ xuất hiện trong game trong hình dạng linh hồn trú ngụ trong một chiếc nhẫn đeo ở tay các nhân vật. Các nhân vật có thể gọi các Emblem tới hỗ trợ trong trận chiến bằng cách hô “Engage”. Khi được gọi lên, nhân vật sẽ hóa làm một với Emblem và có thể sử dụng các vũ khí đặc biệt của Emblem.

Hình ảnh một nhân vật sau khi “Engage”

Điểm hay ở cơ chế Engage này đó là người chơi sẽ là người được lựa chọn kết hợp nhân vật nào với Emblem nào. Mỗi Emblem có bộ kỹ năng riêng và người chơi phải thật hiểu các kỹ năng đó có thể sử dụng trong các tình huống gì ở mỗi màn chơi để đưa ra quyết định mang Emblem cùng với nhân vật nào vào màn chơi đó.

Bộ kỹ năng và vũ khí của một Emblem
Một số kỹ năng của Emblem khi kết hợp với nhân vật

Việc kết hợp nhân vật với Emblem cũng giúp cho nhân vật tăng một số chỉ số.

Để phát huy được tối đa sức mạnh, người chơi còn cần phải sử dụng Emblem trong nhiều trận đấu và kết hợp với 1 nhân vật xuyêt suốt quá trình chơi. Ở đây, game sử dụng một khái niệm là “bond” có nghĩa là sự “thân thiết” giữa nhân vật và Emblem. Mỗi khi chỉ số “bond” tăng lên thì Emblem sẽ mở khóa thêm kỹ năng mới hoặc vũ khí mới.

Ngoài việc mở khóa các kỹ năng cố định, người chơi còn có thể sử dụng điểm SP (Skill points) sinh ra mỗi khi nhân vật chiến đấu cùng Emblem để mở thêm một số kỹ năng khác của các Emblem được gọi là Inherit Skills. Người chơi có thể lắp 2 kỹ năng loại này cho mỗi nhân vật và có thể sử dụng ngay cả khi không dùng Emblem hoặc dùng Emblem khác. Mechanic này khiến người chơi mong muốn tăng “bond” giữa tất cả các nhân vật và Emblem để nhận được các kỹ năng cần thiết.

Inherited Skill giữa Alear và Marth

Đích đến của game là khi một nhân vật có trong tay tất cả những kỹ năng Inherited, kỹ năng cá nhân (Personal), kỹ năng của Class (Class), Kỹ năng kích hoạt khi Engage với một số Emblem đặc biệt (Sync) và kỹ năng sử dụng trong màn chơi Engage.

Đây có lẽ là điểm hay nhất của Fire Emblem: Engage khi mà người chơi sẽ phải tìm ra các phương án kết hợp khác nhau giữa 35 nhân vật là 13 (+) Emblem trong game và phải luyện tập sao cho các mối liên kết đó là vững chãi nhất có thể. Mỗi người chơi sẽ có cách sử dụng Emblem khác nhau, điều này tạo nên sự đa dạng chiến thuật của Engage khác hoàn toàn so với các game tiền nhiệm.

Gameplay thì hay đấy, nhưng Engage lại có khá nhiều điểm… tệ

Đâu tiên là cốt truyện dưới mức trung bình.

Khi người chơi đang quen với một Three Houses đỉnh cao trong xây dựng thế giới và câu chuyện của từng nhân vật đều có chiều sâu ngút ngàn thì ngược lại, Engage lại làm quá tệ. Cốt truyện tuyến tính và dễ đoán tới mức nhảm nhí. Không thể tin được một game AAA ở năm 2023 có thể viết ra một câu chuyện 1+1=2 tới mức như vậy.

Để nhấn mạnh sự nhạt nhẽo của cốt truyện, game xây dựng hẳn 1 “con đường” cho người chơi đi theo, cứ đi là tới, đi hết là hết game. Nếu để ý thì từ cơ chế vũ khí, class hay cả bản đồ này chính là game dùng để gợi nhớ về phiên bản đầu tiên Awakening. Tuy nhiên, nó chỉ làm game thêm chán và gợi cho mình nhớ tới các game kiểu Mario hay Kirby gì đó.

Hệ thống nhân vật đồ sộ nhưng vô hồn.

Game có khoảng hơn 35 nhân vật tới từ 4 quốc gia tuy nhiên các nhân vật có tính cách khá là “trẻ con”. Như đã nói ở đầu bài viết, thiết kế nhân vật bỗng dưng hợp tới kỳ lạ với cách xây dựng nhân vật ở đây.

Các nhân vật cũng có phần cốt truyện riêng nhưng đa số là kể xem nấu món gì, uống trà gì… trong khi thế giới thì đang lâm nguy (?). Người chơi dễ dàng so sánh ngay lập tức tới cốt truyện đan xen, bí ẩn của từng nhân vật trong Three Houses khiến cho các nhân vật của Engage nhạt nhẽo một cách khôi hài. Đôi khi mình thử nghĩ bỏ bớt 10 nhân vật trong game có lẽ cũng chẳng ai quan tâm.

Cách kể truyện không xứng tầm với đồ họa

Nếu khen ở đây thì mình sẽ khen game có nền đồ họa sắc nét đến đáng sợ, có lẽ là một trong những game trên Nintendo Switch có đồ họa đẹp nhất.

Cut Scene của game làm quá chỉn chu, quá đẹp và epic, xem rất cuốn. Thế nhưng, có cảm giác đội làm cốt truyện và đội làm cut scene là 2 đội khác hẳn nhau. Khi đang xem cut scene rất hay thì tự nhiên quay về phần nói chuyện bình thường với những câu nói “vô tri” kiểu:

“Xin chào bạn, tôi là Divine Dragon nè”

“Ôi tuyệt quá, tôi là công chúa nè”

Ngoài ra, phần cut scene được làm cũng rất ngẫu hứng. Đa số là ở vài chapter đầu thì rất đầu tư sau đó thì không thấy gì nữa dù là ở một số phân đoạn quan trọng. Bất ngờ tự nhiên lại có cut scene xuất hiện một anh Dancer đang múa trong… ngôi đền bỏ hoang. Và nhiều đoạn khác nữa mà mình chẳng còn muốn nhớ tới.

1 tỷ mini game bủa vây người chơi

Dù đã chơi hơn 50 giờ trong game nhưng mình thật sự chưa trả lời được lý do gì mà game nhét rất nhiều minigame và bắt người chơi lặp đi lặp lại những hành động kiểu bấm nút A liên tục? Và kết quả của hành động chỉ là tăng 1, 2 điểm stat cho nhân vật hoặc một chút item.

Chống đẩy nè
Đua rồng nè

Thậm chí có những hoạt động trong game mình chẳng hiểu nó dùng làm gì ngoài đốt thời gian. Ví dụ như việc mỗi khi đi qua một map, game sẽ cho mình bắt một số động vật về nuôi lấy nguyên liệu. Vấn đề là tại sao mình phải bắt hàng trăm con mèo về làm gì?

Hay như game có một tính năng là nuôi thú cưng tên là Sommie. Nếu bạn nuôi nó tử tế nó sẽ cho bạn một ít vật phẩm hoặc giúp bạn chơi mấy cái mini game ở trên. Khá là… vô nghĩa. Phiền nhất là con vật này sẽ đi theo sát bạn khắp nơi với âm thanh rất khó chịu.

Điều thú vị bị… lãng quên

Có lẽ do sự nhảm nhí của cốt truyện cùng với đống mini game nhảm không kém kể trên khiến cho 1 tính năng có vẻ khá hay của game gần như không ai nói tới.

Đó là các tính năng online.

Với tính năng Outrealm Trial, người chơi có thể xây dựng bản đồ của riêng mình rồi có thể share nó cho những người chơi khác, tương tự như Mario Maker vậy.

Thậm chí với chế độ Relay Trial, người chơi còn có thể Co-op với một người khác để chiến đấu luôn.

Tổng kết

Fire Emblem: Engage đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu là một tựa game kỷ niệm 30 năm của dòng game vì nó gợi cho người chơi nhớ lại những điều đã làm nên tên tuổi của Fire Emblem. Tuy nhiên, game mang lại cảm giác không hoàn thiện, quá nhiều phần thừa thãi và nhạt nhẽo khiến cho người chơi sao lãng khỏi gameplay tuyệt vời.

Vậy, nếu hỏi mình có giới thiệu game này cho bạn bè chơi không?

Câu trả lời là:

Không

Mình sẽ giới thiệu các game cũ hoặc Three Houses cho bạn bè kẻo mang tiếng.

Post navigation

Subscribe
Notify of
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Kurrwo

chốt câu cuối vl :))))

88302154_212864536760946_7237563610849869824_n.jpg