Nghệ thuật thiết kế game cho người khác
Khi một người mới, được hỏi về việc bạn muốn thiết kế một trò chơi như thế nào thì đa phần sẽ nêu ra những ý tưởng nghe có vẻ… không được thú vị cho lắm.
Đúng vậy, ai cũng muốn thiết kế một trò chơi cho riêng mình.
Nhưng việc thiết kế ra một trò chơi mà chỉ có mình bạn thích có vẻ không phải là một ý hay.
Nếu muốn bán được hàng ngàn bản, hay muốn người khác mua các món hàng trong game của mình, thì bạn phải tạo ra một trò chơi mà người khác cảm thấy thú vị – chứ không phải bạn.
Đây là sự khác nhau giữa một người bình thường và một người thiết kế game chuyên nghiệp.
Designers don’t create virtual worlds that they, personally, wish to play; they create virtual worlds that people wish to play
Người thiết kế không tạo ra thế giới mà bản thân họ muốn chơi; họ tạo ra thế giới mà người khác muốn
Richard Bartle
Có một câu chuyện như thế này.
Truyện kể rằng, tại một đất nước nọ. Người dân rất thích ăn bánh Pizza.
Chỉ cần Pizza đáp ứng các tiêu chuẩn như:
- Nhân hải sản
- Đế bánh giòn
- Nhiều sốt cà chua
- Phô-mai nóng chảy
- Giá cả hợp lí
Thì có làm bao nhiêu cũng cháy hàng.
Tất cả những người thợ làm bánh trong vương quốc đều hiểu rằng. Nếu họ làm theo tiêu chuẩn thì sẽ không còn thừa chiếc Pizza nào cuối ngày cả.
Trong số họ có một người thợ tên là Eidni, anh ấy rất giỏi, nhưng anh đã chán phải ăn đống Pizza kia và muốn làm một thứ gì đó mới mẻ hơn.
Eidni quyết định sẽ sử dụng hết số tiền tiết kiệm của mình để xây dựng một xưởng bánh, nơi đây sẽ sản xuất ra những chiếc bánh mà anh ấy thích:
- Pizza rau muống
- Đế bánh cháy xém
- Nhiều tương bần
- Phô-mai truyền thống được thay thế bằng Mayonnaise
- Giá cả đắt vô cùng do làm hỏng nhiều sản phẩm
Eidni đã làm ra một chiếc Pizza hoàn hảo với anh ấy.
Tuy vậy, cửa hàng của anh phá sản do không thể bán được quá nhiều bánh.
– Hết –
Các trường phái thiết kế
Giống như những chiếc bánh Pizza của anh chàng Eidni, khi bạn làm một tựa game, nó có thể rất hay với bạn nhưng nếu người ta không thích thì bạn sẽ không thể kiếm được tiền.
Phá sản lúc này là điều không thể tránh khỏi.
Thông thường, có hai thái cực phải xác định rõ trước khi bắt tay vào làm game:
- Personal: làm thoả mãn bản thân.
- Commercial: làm thoả mãn người khác.
Đầu tiên là Personal, tức là thiết kế ngách. Đây là khi bạn muốn làm gì đó cho bản thân, bạn chỉ làm game để thoả mãn đam mê, để truyền tải câu chuyện của riêng mình.
Như vậy lời khuyên của mình là: hãy cứ làm thôi, đừng bận tâm đến chuyện người khác nghĩ gì. Mình khá chắc Eidni đã có một khoảng thời gian vui vẻ vì được làm thứ mình thích.
Lúc này, bạn sẽ không cần phải học thêm quá nhiều lí thuyết thiết kế. Cứ tập trung vào công cụ rồi bạn sẽ làm được game của mình.
Còn lại là Commercial, tức là thiết kế cho số đông. Bạn sẽ phải nghiêm túc nghiên cứu thị trường và xem tập khách hàng của mình có xứng đáng đầu tư hay không.
Chẳng hạn, bạn có thể lai ra một giống chuối siêu hột. Ồ, và trên thế giới này chỉ có 100 người cảm thấy thích thú với chúng (người ta còn chưa chắc đã mua).
Như vậy bạn có dám đầu tư cả tỉ đồng vào dự án không? (thực sự thì chuối siêu hột nghe rất thú vị).
Tất nhiên là việc thiết kế game không phân chia rõ ràng hai thái cực như vậy, bạn có thể lựa chọn khoảng giữa để vừa thoả mãn bản thân, vừa thoả mãn người khác.
Một điểm nào đó giữa hai thái cực này sẽ khiến bạn luôn có động lực để theo đuổi dự án đến cùng!
Thiết kế cho số đông
Ở câu truyện bên trên, miễn là chiếc Pizza đáp ứng được các yếu tố như:
- Nhân hải sản
- Đế bánh giòn
- Nhiều sốt cà chua
- Phô-mai nóng chảy
- Giá cả hợp lí
Thì chắc chắn tất cả mọi người sẽ mua chúng. Về cơ bản chiếc Pizza này sẽ giống như việc làm game vậy. Mọi người đều thích chơi một tựa game nào đó do tựa game đó đã đáp ứng chính xác những tiêu chí của họ.
Chẳng hạn khi bạn lựa chọn chơi một tựa game, trong vô thức bạn sẽ đưa ra hàng tá những câu hỏi kiểu như:
- Hình ảnh có đẹp không?
- Cách chơi có vui không?
- Âm thanh có được trau chuốt không?
- Người ta đánh giá về game này tốt không?
- Máy của mình có chơi được không?
- Có phải Pay to Win không?
- Nhà phát hành có uy tín không?
- Bạn của mình có chơi không?
- Đây có phải thể loại mình thích không?
- Cốt truyện có sâu sắc không?
- Game này nổi tiếng không?
- …
Có vô vàn câu hỏi khác nhau mà mỗi người có cho riêng mình. Càng đáp ứng được nhiều “gạch đầu dòng” đó, tỉ lệ mà người ta sẽ chơi game của bạn càng lớn.
Khi rất-rất nhiều người chơi một tựa game nào đó, tức là tựa game đó đã đáp ứng được “thị hiếu”.
Bằng cách học hỏi những tựa game nổi tiếng, người ta dần hiểu được “thị hiếu” của người chơi. Từ đó, các lí thuyết thiết kế game ra đời.
Đây là lí do bạn phải học các lí thuyết thiết kế để thiết kế ra một tựa game mà đa phần sẽ cảm thấy vui khi chơi chúng. Hay còn gọi là nghệ thuật thiết kế game cho người khác.
Hầu hết các lí thuyết thiết kế đều được xây dựng trên nền tảng tâm lí học và con người nên chúng rất khó bị thay thế theo thời gian. Thí dụ như trạng thái dòng chảy, mô hình MDA, các học thuyết tâm lí như thuyết tự quyết, thiết kế thị giác, các hành vi lựa chọn…
Các bạn có thể xem bài viết giới thiệu về mô hình MDA tại đây:
Tóm lại thì…
Tóm lại, việc học tập các nguyên lí thiết kế game rất quan trọng. Áp dụng chúng sẽ khiến game của các bạn dễ dàng được đón nhận hơn.
Việc thiết kế game để vừa đưa được tính cá nhân vào trong các sản phẩm dành cho nhiều người chính là nghệ thuật. Nghệ thuật thiết kế game cho người khác – và cho chính bản thân bạn.
Hãy tiếp tục thiết kế game nhé!
Bài này xứng đáng cho lên youtube, nhưng lười ghê…
[…] Ở bài trước, mình đã giới thiệu với các bạn về tầm quan trọng của việc thiết kế game cho người khác (các bạn có thể xem tại đây). […]